Đăng nhập

Cổng TTĐT Phường Thạch Khôi - TP Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

Di tích, danh thắng - Phường Thạch Khôi

​Đình Lễ Quán ở phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) thờ An Dương Vương


Đình Lễ Quán ở phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) là một di tích hiếm hoi trên địa bàn tỉnh thờ vua An Dương Vương. Trên đường về đây, từ xa đã thấy công trình uy nghi tọa lạc. Đình có kiến trúc kiểu chữ đinh gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Ngôi đình khá bề thế với bờ nóc được đắp nổi lưỡng long chầu nguyệt, đầu rồng dữ tợn, thân rồng cuộn 5 khúc. Hai đầu nhà gắn lạc long, đầu đao đắp nổi rồng chầu, phượng mớm. Bước vào tòa đại bái là bàn thờ công đồng. Tiếp theo là nhang án và các đồ thờ tự như bát hương, mâm bồng, bát bửu, tàn lọng, hạc thờ… Tại đại bái còn trưng 8 đạo sắc phong của các triều đại. Phần hậu cung, chính giữa là ban thờ đặt ngai và bài vị đức thành hoàng cùng một cỗ kiệu sơn son thếp vàng. Tại tòa đại bái và hậu cung còn treo 6 bức đại tự và 6 đôi câu đối ca ngợi công lao của An Dương Vương đối với đất nước.

Ông Phạm Khắc Tự, 82 tuổi cho biết: Ngôi đình đã có từ xa xưa nhưng qua sự vần vũ của thời gian, chiến tranh, công trình đã hư hại xuống cấp. Năm 2005, nhân dân trong thôn đóng góp trên 500 triệu đồng xây dựng lại công trình trên nền cũ. Mỗi năm, đình mở hội vào ngày mất của ngài 25-11 âm lịch. Dịp đó, nhân dân trong làng, du khách thập phương về trảy hội rất đông. Ngoài lễ rước độc đáo, lễ hội có nhiều trò chơi dân gian như đi cầu kiều, bắt vịt, cờ tướng, hát chèo… Ở địa phương cấm kỵ nói tên húy của ngài là chữ Dương và chữ Phán. Khi hành lễ, không được mặc sắc phục màu xanh. Ngoài ra, nhân dân địa phương còn tổ chức lễ vào ngày sinh của ngài 10-10 âm lịch. Vài năm trở lại đây, dịp Giỗ Tổ 10-3, các bậc cao niên trong làng đều tổ chức dâng hương, nhân dân mang lễ đến đình cúng tế.

Theo bia thần tích tại làng, 18 đời Vua Hùng dựng nước Văn Lang kéo dài trên 2.000 năm. Đến khi vua Thục An Dương Vương thay Vua Hùng lên ngôi năm 257 trước Công nguyên với sự giúp sức của thần Kim Quy đã xây được thành Cổ Loa, lại chế được nỏ thần, giữ yên bờ cõi. Bấy giờ, Triệu Đà cử binh sang xâm chiếm nước ta. Vua lập tức mang nỏ thần đi chinh chiến. Lúc tiến binh đến đất khu nam, trang Thạch Khôi, huyện Gia Phúc, tự nhiên trời đất tối sầm. Phụ lão nhân dân thấy vậy vô cùng sợ hãi, lập tức hành lễ bái vọng phụng xin làm tôi con. Vua bằng lòng và cho 3 người trong khu là Vũ Viết Cán, Hồ Viết Nhân, Đỗ Viết Khoan đi theo chinh chiến. Sáng sớm hôm sau, vua dẫn quân đến thẳng nơi đồn giặc đóng, lấy nỏ thần ra bắn, quân Đà đại bại, bỏ chạy toán loạn. Vua dẫn quân trở về bản khu, lập doanh trại tại khu bãi giữa và mở yến tiệc chúc mừng, khao thưởng quân sĩ, nhân dân. Sau đó, vua rút quân trở về triều đình. Triệu Đà biết vua có nỏ thần nên không dám gây chiến, sai con trai là Trọng Thủy sang cầu hôn Mỵ Châu và xin ở rể. Thời gian ở Âu Lạc, Trọng Thủy lấy trộm cơ nỏ thần rồi lấy cớ về nước thăm gia đình. Triệu Đà lại cử binh sang xâm lược nước ta. Thư cáo cấp tới, vua tức giận cử binh nghênh chiến. Vua lấy nỏ thần ra bắn nhưng không hiệu nghiệm bèn lui binh và cùng con gái cưỡi ngựa chạy về nơi đồn trú ngày trước tại Thạch Khôi. Vua mời nhân dân bản khu đến nói rằng: “Ta nay vì con mà mất cơ, bị Triệu Đà gây hại, ta viết thần hiệu giao phó cho nhân dân ngày sau phụng thờ” rồi viết họ Thục, húy Dương Vương. Vua lại giao cho nhân dân 100 cân bạc để ngày sau hương hỏa. Ngay hôm đó, vua ra đất của bản khu vung kiếm lên trời, chân đạp đất 3 trận, tự nhiên thấy đất nổi lên một gò cao. Vua than: “Trời lại phụ ta rồi, Kim Quy giang sứ ở đâu?”. Bỗng thấy Kim Quy mồm ngậm một đóa hoa sen từ dưới sông ngoi lên đến trước mặt vua nói: “Giặc cưỡi trên lưng ngựa phía sau nhà vua đó”. Vua chạy thẳng đến đất Diễn Châu, tự giết con gái và nhảy xuống biển tự vẫn. 

Ngày nay ở Lễ Quán còn bắt gặp rất nhiều địa danh ghi dấu việc An Dương Vương từng đến đất này. Dẫn chúng tôi ra chiếc ao ở đầu làng, ông Phạm Văn Vận, một bậc cao niên trong khu cho biết: Đây chính là ao đình. Ở giữa ao ngày trước có một gò đất gọi là đống Đình, tương truyền là nơi nổi lên khi nhà vua đạp chân xuống đất. Tại đây, khi vua mất, nhân dân theo hiệu vua ban lập miếu phụng thờ gọi là Thục An Dương miếu. Tương truyền đến triều Lý, vua dẫn quân chống giặc đi qua thôn lập trại nghỉ ngơi tại đây. Đêm mộng thấy một lão nhân dung mạo kỳ lạ tự xưng là An Dương Vương đến từ Nam Hải làm phúc thần của bản khu nay muốn âm phù quốc gia rồi bay lên không biến mất. Vua tỉnh dậy, biết là mộng báo liền triệu nhân dân đến hỏi chuyện và hành lễ. Vua vãng chinh một trận dẹp yên giặc bèn ban thêm cho nhân dân 300 quan tiền để phụng thờ, ban mỹ tự “Linh ứng hoàng thánh văn võ linh thần hiển hách An Dương Vương Nam Hải thượng đẳng thần Đại vương”. Trải qua trên 2000 năm, các thế hệ người Lễ Quán vẫn duy trì miếu thờ ngài. Năm 1936, miếu xuống cấp, nhân dân mua gỗ định dựng đình trên vị trí ngôi miếu, nhưng qua một đêm mưa to gió lớn, toàn bộ số gỗ bị nước cuốn trôi về vị trí đình làng bây giờ. Nghĩ rằng điềm thánh ứng báo, nhân dân bèn xây đình tại đó và chuyển đồ thờ tự ở miếu về. Hiện tại trong di tích còn lưu giữ bức đại tự “Thục An Dương miếu” từ ngôi cổ miếu xưa.

Cùng với đống Đình, ngoài cánh đồng khu dân cư Lễ Quán vẫn còn các địa điểm tương truyền gắn với việc An Dương Vương đóng doanh trại. Dẫn chúng tôi ra cánh đồng, chỉ vào khu nghĩa địa, ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng khu dân cư Lễ Quán cho biết đó là đống Quy, người trong khu kiêng tên húy của thần Kim Quy nên gọi chệch là đống Quyu. Tương truyền Đống Quyu là nơi ngày trước vua Thục đã lập doanh trại khi mang quân đánh giặc. Khi thắng trận trở về ngài đã cho mở yến tiệc thết đãi binh sĩ, nhân dân ở đây. Chỉ một vườn chuối cách đó không xa, ông Trung cho biết đó là địa danh ao Găm. Đây là nơi nhà vua cất giấu vũ khí. Còn vùng đất cao gần bờ sông Sặt cách vị trí ao Găm hơn trăm mét là đống Chòi. Đây được cho là một chòi canh gác khi nhà vua đóng quân tại đây. Ngoài ra, tại Lễ Quán còn bắt gặp các địa danh như xứ Đồng Lai gần bờ sông Sặt, nơi nhà vua đến và đi bằng thuyền. Xứ Đồng Giàng, nơi vua thấy vùng đất bằng phẳng, dân cư yên lành nên đã truyền dạy cách trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đặc biệt, xưa kia Lễ Quán còn được gọi với địa danh Tây khu địa vì Lễ Quán nằm ở phía tây thành Dền (thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn, Tứ Kỳ), thủ phủ của bộ Dương Tuyền, 1 trong 15 bộ của nhà nước thời kỳ Hùng Vương.

Theo khảo sát, cùng với đình Lễ Quán, hiện trên địa bàn tỉnh còn có đình thôn Mai Trung, xã Tân Trường (Cẩm Giàng) cũng thờ Thục An Dương Vương. Dẫu đã trải nghìn năm song các di tích thể hiện đạo lý và tấm lòng biết ơn của các thế hệ người Việt với ông cha đã có công dựng nước và giữ nước vẫn vẹn nguyên ý nghĩa.

Đình Phú Tảo và chuyện về tướng quân Hồng Công
 
Đình Phú Tảo, phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) tọa lạc giữa khu dân cư trù mật. Theo thuyết phong thủy, đình xưa xây dựng trên một vị trí đắc địa, quy mô lớn, bề thế trong một quần thể kiến trúc gồm đình, chùa, nghè, văn chỉ. Năm 2015, đình Phú Tảo được UBND tỉnh xếp hạng.

Theo nội dung tấm bia “Thần sự tích bi” khắc dựng vào năm Đinh Mão, niên hiệu Tự Đức 20 (1867), vào thế kỷ VI, tại khu Tây, trang Thạch Khôi, huyện Gia Phúc, châu Hạ Hồng có một gia đình họ Nguyễn, tên húy là Nghĩa, lấy vợ người khu Nam của bản trang họ Trần, tên húy là Hoan. Hai vợ chồng tuổi đã cao mà chưa có con nên hết lòng tu nhân tích đức, cứu giúp người nghèo. Một hôm, hai vợ chồng bàn nhau dựng một túp lều cỏ ở khu đất ở đầu cầu bến sông, hằng ngày ra bán chè lam để làm nghiệp sống.

7-8 năm sau, Hoan nương sinh đôi hai người con, một trai, một gái. Con gái đặt tên là Phương Nương, con trai là Hồng Công. 3 năm sau, Nghĩa công mắc bệnh qua đời, ba mẹ con tự nuôi dưỡng nhau. Càng lớn các con của Hoan nương càng có những nét khác hẳn người thường. Phương Nương xinh đẹp, dung nhan yểu điệu, mắt phượng mày ngài. Hồng Công mưu lược, văn võ song toàn. Năm 16 tuổi, hai chị em nổi danh thiên hạ, tiếng tăm tài giỏi lẫy lừng trong nước.

Năm đó, giặc Chiêm Thành đem quân xâm lược nước ta. Vua Lý vô cùng lo lắng, lập tức lệnh cho 30 vạn người đến cự chiến nhưng không thắng nổi.

 Vua dẫn quân thân chinh đi đánh giặc, khi đến địa giới huyện Gia Phúc, nghe tin tại bản trang (Tây khu) có con một nhà nổi tiếng tài giỏi liền cho quân dò hỏi. Nhân dân đều đến bái yết đông đủ, trong đó có 3 mẹ con Hoan nương. Vua thấy Hồng Công và Phương Nương dung mạo khác hẳn người thường nên cho gọi, hai người liền tâu rằng: “Nước nhà có giặc đến hoành hành, cuộc sống của nhân dân vô cùng khổ cực. Đang như bậc thánh hiền thời trước, nay là đấng nam nhi khí đảm, dù có bỏ xác nơi sa trường, cũng lấy da ngựa bọc thây mà trở về, hai con cũng thi tài dốc sức để cứu giúp nước nhà”. Sau đó cùng xin vua toàn tâm tận lực đi đánh giặc.

Bấy giờ, nhân dân khu Nam (khu dân cư Phú Tảo ngày nay) có 14 người theo Hồng Công làm gia thần. Vua phong Hồng Công làm Trung quân xuất tướng, Phương Nương làm Trước quân xuất tướng, tiến đến đồn giặc đóng, giáp chiến một trận. Quân giặc khiếp vía bỏ chạy, số chết nhiều vô kể, số sống sót tìm đường chạy trốn, quân giặc đã được dẹp yên.

 Thắng trận, vua vô cùng phấn khởi, triệu vời Hồng Công và Phương Nương hồi triều, mở yến chúc mừng. Phương Nương không đi mà xin trở về nhà nhỏ ở bến sông của bản khu. Vua phong Hồng Công làm Nội thị hầu tri quân sự. 1 năm sau, vua lệnh cho Hồng Công đi chiêu dân, lập ấp ở các châu, phủ. Hồng Công xuống Nam thì Nam phục, lên Bắc thì Bắc yên, dân chúng an cư lập nghiệp.

Sau đó, Hồng Công dâng biểu xin vua về thăm hỏi gia đường, phụ mẫu. Xa giá của Hồng Công về đến miếu Lăng (nay thuộc khu dân cư Phú Tảo) thì trời bỗng tối, nước sông dâng cao cuồn cuộn, các loài giao long, ba ba, cua cá nổi lên trên mặt nước. Hồng Công cưỡi trên một con rùa, rồi nằm mà mất (tức ngày 11.9).

Vua nghe tin vô cùng thương xót, liền sai đình thần về hành lễ an táng, ban cho khu Nam ruộng công, tiền 500 quan, miễn binh lương thuế khóa 18 năm, khen phong mỹ tự: “Thượng đẳng phúc thần”, cho phép khu Nam, xã Thạch Khôi quê mẹ là hộ nhi, phụng thờ các ngày sinh, hóa.

Do có công lao với nước, với dân, Thành hoàng Hồng Công được các triều đại phong kiến ban tặng nhiều sắc phong. Hiện nay, tại đình Phú Tảo còn lưu giữ 5 đạo sắc vào các năm: Tự Đức thứ 6 (1853), Tự Đức thứ 33 (1880), Đồng Khánh thứ 2 (1887), Duy Tân thứ 3 (1909) và Khải Định thứ 9 (1924).

Để tưởng nhớ, tri ân công đức của tướng quân Hồng Công, dân làng Phú Tảo đã xây dựng đình phụng thờ và tôn làm Thành hoàng. Theo trí nhớ của các bậc cao niên, ban đầu đình Phú Tảo có quy mô nhỏ, đến thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII) được xây dựng khang trang, ba mặt bao bọc bởi ao tạo cảnh quan đồng thời cũng là nơi lưu thủy, tụ phúc. Công trình kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung, phía trước có hai dãy dải vũ, mỗi dãy 3 gian, cột bằng đá. Ngoài cùng sân đình có hai cây phi lao to, giữa hai cây là tắc môn (bình phong).

Năm 1968, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, toàn bộ khu di tích bị hạ giải lấy nguyên vật liệu xây dựng các công trình phúc lợi. Các đồ thờ tự (tượng Thành hoàng, câu đối, đại tự, ngai thờ, hòm sắc, đèn nến...) được người dân di chuyển vào chùa Bồ Đề (cách đình 300m về hướng bắc).

Năm 1970, địa phương cho xây dựng 5 gian nhà gạch trên nền tòa đại bái cũ làm hội trường của thôn đồng thời cũng làm nơi chứa thóc của HTX. Để đáp ứng nhu cầu thờ tự, dân làng đã xây dựng 2 gian nhà nhỏ nối vào gian trung tâm của nhà hội trường, phía ngoài ngăn cách bởi hệ thống cửa bức bàn.

Năm 2008, nhân dân, con em xa quê đóng góp, đình Phú Tảo được khôi phục lại. Công trình xây dựng lùi lại phía sau nhà văn hóa (trước gọi là hội trường). Năm 2014, nhà văn hóa thôn xây dựng ra vị trí mới (đối diện đình hiện nay), 5 gian nhà văn hóa cũ được tháo dỡ để mở rộng sân đình. Cũng vào năm này, xây dựng một số công trình phụ trợ cho di tích như nghi môn, nhà khách... tạo cho khuôn viên di tích ngày một khang trang.

Hiện nay, đình Phú Tảo có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Tòa đại bái xây đao dĩ, mái lợp ngói mũi. Chính giữa bờ nóc đắp nổi phù điêu lưỡng long chầu nguyệt. Các đầu đao cong đắp rồng chầu, phượng mớm. Hệ thống cửa bức bàn, phía trên giáp mái có hàng chấn song con tiện chạy dài theo hệ thống cửa để tạo sự thông thoáng. 

Nối liền phía sau tòa đại bái là tòa hậu cung 3 gian, xây tường hồi bít đốc. Kết cấu khung vì gồm 3 vì kèo chế tác giống tòa đại bái. Tại đây, bài trí tượng thờ Thành hoàng Hồng Công.

Hằng năm vào ngày 9-10.2 (âm lịch), chính quyền và nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội truyền thống để tưởng nhớ công ơn của tướng quân Hồng Công. Trong lễ hội, phần lễ có rước kiệu long đình, sắc phong từ đình ra nghè Phú Tảo (cách đình 1km về hướng đông bắc). Phần hội có hát chèo, cờ người, kéo co...